Chỉ Thị Số 494/Ct-Ttg Về Việc Sử Dụng Vật Tư, Hàng Hoá Sản Xuất Trong Nước

  • 16/08/2018
Ngày 20/4/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 494/CT-TTg về việc sử dụng vật tư, hàng hoá sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Chỉ thị nêu rõ, thực hiện quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 13 của Luật Đấu thầu về điều kiện tổ chức đấu thầu quốc tế, căn cứ Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung uơng, Chủ tịch Hội đồng quản trị các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước, các cơ quan, đơn vị tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về đấu thầu, thực hiện các nội dung sau:
Đối với việc tổ chức lựa chọn nhà thầu: Khi phân chia các gói thầu thuộc dự án, đề án, chương trình, dự toán đối với mua sắm thường xuyên (gọi tắt là các dự án) sử dụng vốn nhà nước, ngoài việc phải căn cứ tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, bảo đảm tính đồng bộ của dự án, cần bảo đảm gói thầu có quy mô hợp lý, phù hợp với điều kiện năng lực của nhà thầu trong nước, bảo đảm các điều kiện cạnh tranh tối đa cho các doanh nghiệp trong nước nhận được hợp đồng, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước.
Đối với đấu thầu mua sắm hàng hoá, chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế khi hàng hoá, vật tư, thiết bị trong nước không đáp ứng được yêu cầu của gói thầu hoặc trong nước chưa đủ khả năng sản xuất hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ đối với những gói thầu thuộc các dự án sử dụng vốn ODA.
Đối với các gói thầu xây lắp, chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế khi nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu hoặc đã tổ chức đấu thầu trong nước nhưng không có nhà thầu nào đáp ứng yêu cầu hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ đối với những gói thầu thuộc các dự án sử dụng vốn ODA. Trong trường hợp này cần có cơ chế khuyến khích các nhà thầu trong nước liên doanh với các nhà thầu quốc tế để học hỏi thêm kinh nghiệm và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải đưa ra yêu cầu về việc chào thầu bằng đồng Việt Nam đối với các chi phí trong nước; chỉ cho phép các nhà thầu chào thầu bằng ngoại tệ đối với các nội dung chi phí (hàng hoá, dịch vụ) có nguồn gốc từ nước ngoài khi trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu mà nhà thầu phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Nghiêm cấm các chủ đầu tư, bên mời thầu khi lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cho phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu thực hiện gói thầu.
Nghiêm cấm việc tổ chức đấu thầu quốc tế bằng gói thầu EPC đối với các dự án trong đó có nhiều phần công việc mà các nhà thầu Việt Nam có thể tham gia cung cấp dịch vụ, hàng hoá, xây lắp./.
PROFILE LHD LAW FIRM
0 bình luận trong bài viết này
Gửi bình luận
captcha

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

+6888+

Khách hàng

+1689+

Dự án

+39+

Nhân sự

3+

Văn phòng